top of page

Đời sống thiêng liêng

Cầu Nguyện tháng Mân Côi :

Trong tháng 10 chúng ta mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nhắc nhớ chúng ta : « Chớ gì kinh Mân côi gia đình là một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Đức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Đức Nữ Trinh. »

Đức Mẹ hiện ra với chân phước Alanô long trọng hứa ban 15 đặc ân sau đây:

1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc kinh Mân côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2. Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân côi.

3. Kinh mân côi sẽ là áo mã giáp để chống lại hoả ngục. Kinh Mân côi tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi, và phá tan các ngụy thuyết.

4. Kinh Mân côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở. Kinh Mân côi kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn; giúp người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó, và nâng tâm hồn họ khao khát những của trên trời. Thực, kinh Mân côi chính là phương tiện giúp thánh hoá các linh hồn.

5. Linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân côi sẽ không hư mất.

6. Những ai đọc kinh Mân côi sốt sắng và áp dụng những mầu nhiệm của kinh Mân côi vào đời sống mình sẽ không sợ bị rủi ro. Chúa sẽ nhân từ với họ và họ sẽ không phải chết bất tử. Nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn Chúa và xứng đáng hưởng Quê Trời.

7. Những ai thực tôn sùng mầu nhiệm Mân côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.

8. Những ai trung thành lần hạt Mân côi, khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn cùng với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Khi lâm tử, họ sẽ được chia sẻ huân nghiệp của các thánh trên thiên đàng.

9. Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép lần hạt Mân côi.

10. Những con cái trung thành của phép lần hạt Mân côi sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.

11. Nhờ lần hạt Mân côi, các con sẽ được hết những gì mình xin.

12. Những ai truyền bá phép lần hạt Mân côi sẽ được Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân, khốn khổ.

13. Mẹ đã xin Con chí thánh Mẹ ơn này cho những ai truyền bá phép lần hạt Mân côi, là họ sẽ được cả Triều đình Thiên quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.

14. Những ai đọc kinh Mân côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.

15. Tôn sùng phép lần hạt Mân côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CÔNG BỐ MỞ « NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT » VÀO CUỐI NĂM 2015

Ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Trong năm Thánh, Giáo Hội loan báo ơn tha thứ chung, ân xá dành cho mọi người, để canh tân mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Như vậy, Năm Thánh luôn là một cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Kitô giáo.

Việc mở Năm Thánh 2015 diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II vào năm 1965. Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy Giáo hội tiếp tục công trình mà Vatican II đã khởi sự.

Truyền thống Công giáo về Năm Thánh bắt đầu với Đức giáo hoàng Bônifaxiô VIII vào năm 1300. Đức Bônifaxiô VIII đã ấn định mỗi thế kỷ sẽ có một năm Thánh. Từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng Năm Thánh, Năm Thánh thường lệ được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức giáo hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt.

Cho đến nay, đã có 26 Năm Thánh thường lệ được mở, gần đây nhất là Năm Thánh 2000. Việc mở Năm Thánh đặc biệt có từ thế kỷ XVI. Trong thế kỷ vừa qua đã có hai Năm Thánh đặc biệt: năm 1933, do Đức giáo hoàng Piô XI công bố để kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu chuộc và năm 1983, do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố vào dịp 1950 năm Ơn Cứu chuộc.

Với “Năm Thánh Lòng Thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót.

(Trích nguồn http://www.hdgmvietnam.org/)

1.  Mục đích và ý nghĩa :

• Trở về với Thiên Chúa.         

• Noi gương Chúa Giêsu và vâng lời Giáo Hội.         

• Hy sinh hãm mình đền tội.         

• Thành tâm sám hối tội lỗi.   

• Tham gia công tác từ thiện, bác ái.        

• Cầu nguyện và làm việc lành.

2.  Tiêu chuẩn :

• Tuổi giữ chay, theo GL 97 và 1252: “Mọi tín hữu tuổi từ 18 cho đến 60 tuổi thì buộc phải giữ chay”.

• Tuổi ăn kiêng, theo GL 1252 “buộc những tín hữu tuổi từ 14 trở lên”.

• Trong Giáo Hội hiện nay chỉ còn buộc giữ chay hai ngày (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh). Một số nơi còn giữ luật cũ (tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay).

• Luật giữ chay kiêng thịt cũng có thể miễn hoặc giảm cho những người (già yếu, đau bệnh, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ…)

3.  Cách thức :

* Chỉ ăn một bữa no trong ngày. Nếu lấy bữa trưa làm chính thì bữa sáng và bữa tối chỉ được ăn chút đỉnh mà thôi.

* Không ăn các loại “thịt”.

* Không ăn quà vặt trong ngày.

* Không uống các thức uống có chất kích thích như rượu, bia…

4.  Kinh Thánh dạy ta ăn chay thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa ?

          - Is 58,2-12 : Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?

          - Ge 2,12-13 : Đây là sấm ngôn của Đức Chúa : "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van". Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ.

          - Hc 34,26 : Cũng thế, kẻ ăn chay đền tội, rồi đi phạm lại vẫn những tội ấy, hỏi ai sẽ nghe lời nó cầu xin ?  Hạ mình kiểu đó, nào được ích lợi gì ?

          - Mt 6,16-18 : Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em.

Mùa Chay và việc giữ chay

5. Tóm lại :

          Mùa Chay là mùa mà Giáo Hội kêu gọi mọi người Kitô hữu sống tinh thần: “Âm thầm cầu nguyện, lặng lẽ hy sinh và thành tâm sám hối”.

          Để có thể giữ chay tốt, ta nên chú ý đến ý nghĩa của việc giữ chay hơn là những tiêu chẩn và cách thức (hình thức). Ví dụ như : nếu ta giữ đúng những tiêu chuẩn và cách thức của luật giữ chay, mà lại thay thế bữa thịt bằng một bữa ăn đặc sản vùng biển tốn kém, thì còn gì là ý nghĩa chay tịnh nữa.

          Đàng khác, nếu ta chỉ giữ chay với thói quen hình thức, mà không yêu thương, từ tốn, nhã nhặn, tha thứ cho những người xung quanh ta, thì giữ chay nào có ích gì.

          Vậy, ăn chay theo đạo Công-giáo là nhịn ăn hoặc bớt ăn để diễn tả sự hy sinh tự nguyện, để cổ võ lòng đạo đức hoặc lập thêm công đức ; hơn nữa, nhịn ăn hay bớt ăn cũng là để chia sẻ với người nghèo khó trong tinh thần bác ái và phục vụ.

(Trích từ www.simonhoadalat.com)

KHAI MẠC NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

“Năm Đời sống thánh hiến” do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập đã chính thức khai mạc vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, 30-11-2014. Trước đó, một buổi canh thức cầu nguyện đã được tổ chức vào tối thứ Bảy 29-11 tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma. Thánh Lễ trọng thể khai mạc Năm Đời sống thánh hiến được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô do Đức hồng y João Braz de Aviz, Bộ trưởng Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, chủ tế. Năm Đời sống thánh hiến thực tế sẽ kéo dài hơn một năm, và sẽ kết thúc vào ngày 02 tháng Hai 2016.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp cho các người sống đời thánh hiến. Sứ điệp được đọc trong Thánh Lễ, mở đầu như sau: “Tôi rất vui mừng ngỏ lời với anh chị em nhân dịp khai mạc Năm Đời sống thánh hiến. Tôi rất muốn hiện diện với anh chị em trong dịp này, nhưng Chúa lại muốn cách khác”.

Đức Thánh Cha giải thích: “Khi mở Năm Đời sống thánh hiến, trước hết tôi muốn giới thiệu lại cho toàn thể Giáo hội vẻ đẹp và nét đáng quý của hình thức “bước theo Chúa Kitô” đặc biệt này, mà tất cả anh chị em đang thể hiện; anh chị em là những người đã quyết định bỏ mọi sự để bắt chước Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại điều ngài đã nói cách

nay một năm với các vị Bề trên tổng quyền: “Hãy thức tỉnh thế giới ! Hãy thắp sáng thế giới bằng chứng từ ngôn sứ và lội ngược dòng của anh chị em”.

Đức Thánh Cha nêu ra ba từ chìa khoá để sống Năm Đời sống thánh hiến : trước hết là hân hoan - người tận hiến cho thấy rằng theo Chúa Kitô và việc thực thi Tin Mừng của Ngài khiến lòng họ tràn đầy niềm vui. Một niềm vui có sức tỏa lan. Rồi đến dũng cảm : ai cảm nhận mình được Chúa yêu thương thì sẽ biết tin tưởng nơi Người, cũng như những vị sáng lập các Dòng tu đã tin tưởng vào Chúa. Cuối cùng là hiệp thông: người tận hiến là người hiệp thông sâu xa và cá vị với Thiên Chúa.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các nam nữ tu sĩ trở nên những người xây dựng tình huynh đệ không mệt mỏi, khi yêu thương lẫn nhau và yêu thương những người nghèo nhất bằng tình yêu xuất phát từ Phúc Âm: “Anh chị em hãy chứng tỏ rằng tình huynh đệ phổ quát chẳng phải là điều không tưởng, nhưng là chính niềm ước mơ của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại”.

Trong bài giảng, Đức hồng y João Braz de Aviz đặc biệt vui mừng về buổi canh thức cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả tối hôm trước, có rất đông người tham dự. Đức hồng y nói : “Cũng như Đức Thánh Cha, chúng ta muốn phó thác cho Đức Trinh nữ Maria con đường của chúng ta với những hoa trái trong suốt Năm Đời sống thánh hiến này”.

(Nguồn Radio Vatican)

LOGO NĂM ĐỜI SỐNG

THÁNH HIẾN

Đời sống thánh hiến trong Giáo Hội ngày nay.

Tin Mừng, Ngôn Sứ, Hy Vọng

bottom of page